image banner
BÀI 12: BỆNH DO LIÊN CẦU LỢN

BÀI 12: BỆNH DO LIÊN CẦU LỢN

1. Căn nguyên

S. suis là vi khuẩn liên cầu, gram (+), hình trứng, có vỏ. Ở nhiệt độ 25ºC, S. suis sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.

Dựa theo kháng nguyên vỏ, S. suis có 35 týp và có sự phân bố địa lý khác nhau. Độc lực của S. suis có sự khác nhau giữa các chủng và giữa các týp. Hầu hết chủng gây bệnh ở người thuộc týp 2, ngoài ra là týp 4, týp 14, týp 1

2. Đặc điểm dịch tễ

Nguồn bệnh: S. suis cư trú tại đường hô hấp, tiêu hóa và sinh duc của lợn. Virút tai xanh gây giảm sức đề kháng của lơn, tạo điều kiện cho suis bùng phát, gây bệnh. Они

 Phân bố dịch tễ: bênh do S. suis ở người được mô tả lần đầu ở Đan Mach năm 1968. Cho đến năm 2007, trên thế giới có hơn 400 trường hợp mắc bệnh đã được báo cáo, hầu hết ở Trung Quốc, Thái Lan và Hà Lan.

Ở Việt Nam, S. suis được ghi nhận là căn nguyên hàng đầu (chiếm 33-43%) gây viêm màng não mủ ở người lớn. Bệnh thường gia tăng vào mùa hè, liên quan với nghề nghiệp và thói quen ăn uống, cơ địa người bệnh.

3. Biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm

3.1. Trên lâm sàng

S. suis có thể gây nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.

Viêm màng não mủ: là bệnh cảnh hay gặp nhất (chiếm 84,6% các trường hợp nhiễm S. suis ở châu Âu và 75,2% ở châu Á).

Biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm giống như viêm màng não mủ do các vi khuẩn khác. Hội chứng màng não thường điển hình, tuy nhiên thời gian ủ bệnh ngắn, người bệnh thường có rối loạn ý thức rõ rệt (từ mê sảng đến hôn mê), liệt thần kinh sọ (giảm thính lực, điếc), hoặc thất điều, rối loạn điều hòa tư thế.

Nhiễm khuẩn huyết: là bệnh cảnh đứng thứ hai sau viêm màng não (15,4% ở châu Âu và 18,6% ở châu Á).

Biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm giống nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn khác, nhưng thời gian ủ bệnh ngắn, ngoài các biểu hiện hay gặp như sốt, ớn lạnh, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, đặc biệt nổi bật là có ban xuất huyết hoại tử trên da và đau cơ toàn thân.

3.2. Các thể lâm sàng khác

Viêm nội tâm mạc: chiếm tỷ lệ 2,2% ở châu Âu và 7,8% ở châu Á. Biểu hiện lâm sàng là sốt, suy tim xung huyết, đau ngực, siêu âm có sùi ở van tim, rối loạn nhịp tim và cấy máu phát hiện được S. suis.

Viêm nội nhãn: chiếm tỷ lệ 2,2% ở châu Âu và 0,8% ở châu Á. Biểu hiện lâm sàng là giảm thị lực, đau mắt, viêm xung huyết kết mạc mắt, viêm mủ nội nhãn. Cấy dịch kính phát hiện được S. suis.

Ngoài ra là viêm dạ dày ruột (11-17,1%), viêm khớp (9,9-10,9%), viêm phổi (1,6-4,4%), viêm phúc mạc, viêm màng nhện tủy.

3.3. Xét nghiệm

Các xét nghiệm đặc hiệu: xác định vi khuẩn gây bệnh.

+ Nhuộm gram và nuôi cấy. Trên tiêu bản nhuộm gram vi khuẩn có hình cầu, đứng riêng lẻ, xếp đôi, hoặc thành chuỗi ngắn, bắt màu gram (+).

+ Kỹ thuật PCR: xác định được týp, nhưng không làm được kháng sinh đồ.

+ Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang phát hiện kháng nguyên vi khuẩn.

+ Kỹ thuật miễn dịch enzym cho phép xác định týp huyết thanh.

Bệnh phẩm: là máu, hoặc dịch cơ quan tổn thương như dịch khớp, dịch não tủy...

- Các xét nghiệm hỗ trợ:

+ Công thức máu: bạch cầu máu tăng, chủ yếu đa nhân trung tính. Tiểu cầu giảm trong những trường hợp nặng.

+ Các chỉ số sinh hóa máu tăng như urê, creatinin; men AST, ALT và CK, bilirubin, giảm albumin máu.

+ Trong sốc nhiễm khuẩn: có bằng chứng đông máu nội mạch rải rác, như tiểu cầu < 100.000/mm³, prothrombin giảm, fibrinogen < 1 g/lít, APTT kéo dài, hoặc FDP, D-dimer tăng. Toan máu (pH giảm, HCO3- giảm).

+ Trong viêm màng não, dịch não tủy thay đổi. như tế bào > 500 tế bào/mm³, chủ yếu đa nhân trung tính, protein > 1 g/lít, glucose giảm, Pandy (+).

4. Biến chứng và tiên lượng

Bệnh diễn biến kéo dài, tỷ lệ tử vong cao và có nhiều di chứng.

Trong viêm màng não mủ, những trường hợp được cứu sống có nhiều di chứng như điếc, động kinh, mất ý thức...

Trong nhiễm khuẩn huyết hay gặp suy tạng như hôn mê, suy gan, suy thận, hội chứng ARDS. Nặng hơn là hội chứng sốc nhiễm độc, rối loạn đông máu, trụy mạch và tử vong, nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

5. Chẩn đoán

5.1. Chẩn đoán lâm sàng

Cần dựa vào 3 yếu tố: dịch tễ - lâm sàng xét nghiệm.

- Dịch tễ học: trong 10 ngày trước khi bệnh khởi phát có tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc, như chăn nuôi, giết mổ, chế biến, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

- Lâm sàng và xét nghiệm: có bệnh cảnh của viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết.

5.2. Chẩn đoán xác định

Khi có kết quả xét nghiệm S. suis dương tính.

5.3. Chẩn đoán phân biệt

Khi chưa có kết quả xét nghiệm đặc hiệu.

- Nhiễm não mô cầu: S. suis cũng như vi khuẩn não mô cầu đều có thể gây ra bệnh cảnh lâm sàng viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết có ban xuất huyết trên da. Cần dựa vào dịch tễ và đặc điểm của ban xuất huyết để chẩn đoán phân biệt.

- Trong viêm màng não: khó phân biệt với viêm màng não do Hemophilus influenza hoặc phế cầu. Xét nghiệm nhuộm gram và nuôi cấy vi khuẩn từ dịch não tủy có thể giúp ích cho chẩn đoán phân biệt các trường hợp này.

- Trong nhiễm khuẩn huyết: cần phân biệt với các vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn có rối loạn đông máu như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae. Ngoài ra, cần phân biệt với sốt mò có biến chứng nặng, gây suy tuần hoàn và hô hấp.

6. Điều trị

6.1. Nguyên tắc điều trị

- Kết hợp điều trị bằng kháng sinh với điều trị hỗ trợ.

- Phát hiện sớm các biến chứng nặng, như sốc, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng để xử trí kịp thời.

6.2. Điều trị cụ thể

6.2.1. Điều trị căn nguyên

 Chọn một trong các kháng sinh sau:

- Ceftriaxon 4 g/ngày (trẻ em 100 mg/kg/ngày), chia 2 lần, tiêm tĩnh mạch.

- Ampicillin 12 g/ngày (trẻ em 200 mg/kg/ngày), chia 6 lần, tiêm tĩnh mạch.

Thời gian điều trị từ 2 đến 4 tuần tùy theo đáp ứng lâm sàng.

6.2.2. Điều trị hỗ trợ

a) Đối với thể viêm màng não mủ:

- Chống phù não: nếu có hôn mê, co giật nhiều dùng Mannitol 20% 1-1,5 g/kg, truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Đánh giá lại sau mỗi 6 giờ và truyền nhắc lại nếu lâm sàng chưa cải thiện.

- Chống co giật: dùng Diazepam 0,1 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch hoặc thụt hậu môn. Nhắc lại sau 10 phút, nếu còn co giật, không dùng quá 3 lần.

- Chống viêm: Dexamethason 0,3-0,5 mg/kg/ 24 giờ, tiêm ngay trước khi tiêm kháng sinh. Dùng trong 3-5 ngày.

- Đánh giá lại lâm sàng và dịch não tủy sau 48 giờ để đổi kháng sinh phù hợp.

b) Với thể nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn:

- Bảo đảm hô hấp, thở oxy hoặc thông khí nhân tạo khi có chỉ định.

- Điều chỉnh điện giải và thăng bằng kiềm toan.

- Bảo đảm khối lượng tuần hoàn, duy trì huyết áp tối đa > 90 mmHg.

- Truyền máu và các thành phần của máu khi có chỉ định.

- Tùy theo mức độ suy thận dùng thuốc lợi niệu hoặc chạy thận nhân tạo.

7. Phòng bệnh

7.1. Phòng bệnh không đặc hiệu

- Tôn trọng nguyên tắc an toàn trong chăn nuôi:

+ Phối hợp với ngành thú y để phòng chống dịch bệnh trên lợn, kiểm soát chăn nuôi và giết mổ lợn (không giết mổ và chế biến thịt lợn bị bệnh).

+ Trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với lợn, giết mổ lợn...

- Thực hiện vệ sinh ăn uống và an toàn thực phẩm (chế biến chín...).

7.2. Phòng bệnh đặc hiệu

Chưa có vắcxin.

image advertisementimage advertisement
image advertisementimage advertisement
image advertisement
image advertisement

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC PHƯỜNG TRƯỜNG THI - THÀNH PHỐ THANH HOÁ

Trưởng ban biên tập: Cao Thiện Cường Chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Trường Thi

ĐC: 123 Trường Thi - phường Trường Thi - Tp.Thanh Hóa - Tỉnh Thanh Hóa

Điện thoại:  02373.851.845  

Ghi rõ nguồn tin khi phát hành lại nội dung trên Cổng thông tin điện tử thành phố Thanh Hóa.

Website được thiết kế bởi VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang