image banner
ĐIỂM DU LỊCH KHÔNG GIAN VĂN HÓA VIỆT
ĐIỂM DU LỊCH KHÔNG GIAN VĂN HÓA VIỆT
KO GIAN VH VIỆT.jpg
 
Không gian văn hóa Việt có diện tích khoảng 16.000m2, tọa lạc tại địa chỉ số 01 Cù Chính Lan, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Không gian Văn hóa Việt hội tụ vẻ đẹp đa dạng, phong phú của những sản phẩm văn hóa đặc sắc. Cây cổ thụ, đá ngọc, cổ vật văn hóa khắp mọi miền đất nước đã về đây tụ hội và được tổ chức trong một không gian xanh thuần Việt hết sức gần gũi.
Điểm độc đáo đầu tiên và nổi bật của Không gian Văn hóa Việt là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố: Đá quý và phong thủy Thanh Hóa. Nổi bật là một số kiệt tác về cổ ngọc như chiếc bàn đá ngọc tạo hình Tam long tranh châu; bộ ba bức chạm khắc đá Ngư long hí thủy tinh xảo: Huyết long, Kim long, Ngân long; hai chiếc phản bích ngọc nguyên khối nặng chừng 20 tấn hoặc bức “thạch họa” đồ sộ bằng mã não hình cá dài tới gần 2m… Ngoài ra còn vô vàn hiện vật đá quý khác, vừa phong phú về chủng loại, vừa đa dạng về màu sắc, hoặc được chế tác công phu, tỉ mỉ, hoặc vẫn giữ lại dạng thức khởi nguyên .
Góp phần biểu trưng cho sự đa sắc của văn hóa Việt còn là hệ thống các hiện vật chất liệu gỗ quý hiếm. Các tác phẩm gỗ đã qua chế tác cầu kì không chỉ có ý nghĩa “vật phẩm” mà còn gợi về một nghề thủ công truyền thống của người Việt có tuổi đời lên tới cả nghìn năm và rất thịnh hành trong giai đoạn Hậu Lê: Nghề chạm khắc gỗ truyền thống. Một đặc trưng khiến nghề chạm khắc gỗ đạt đến mức độ nghệ thuật, các tác phẩm trở thành “pho sử bằng gỗ” chính là nội dung truyền tải, đòi hỏi người thợ không chỉ có “đôi tay vàng”, óc sáng tạo mà còn phải am tường về lịch sử - văn hóa nước nhà.
Điểm nhấn của Không gian Văn hóa Việt chính là Bảo tàng cổ vật Đông Sơn, giới thiệu hàng nghìn hiện vật của cư dân Đông Sơn cổ, bao gồm công cụ sản xuất (lưỡi rìu, lưỡi cày, lưỡi liềm, đục, lưỡi câu, chì lưới); đồ dùng sinh hoạt (thạp đồng, bình, vò, nồi, ấm, chậu, đỉnh, lư đồng…); đồ gốm với nhiều kiểu dáng (nồi, chậu, bình, vò, chì lưới, chân chạc…); vũ khí bằng đồng đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng (giáo, dao găm, kiếm ngắn, rìu chiến, mũi lao, mũi tên, tấm che ngực, bao tay…). Và đặc biệt là sưu tập trống đồng Đông Sơn rất đa dạng về loại hình, kích cỡ.
Hệ thống cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn không chỉ là bằng chứng hùng hồn và thuyết phục về văn hóa đồ gốm, đồ đồng thuộc nền Văn minh Đông Sơn huy hoàng cách ngày nay hơn hai nghìn năm mà còn lại nơi lưu giữ, bảo tồn các cổ vật quý hiếm. Góp phần ngăn chặn tình trạng “chảy máu cổ vật” đã và đang ngày càng trở nên nhức nhối.
Không thể không nhắc đến kiến trúc nhà năm gian và hồ bán nguyệt tại Không gian Văn hóa Việt. Trong kiến trúc ngôi nhà truyền thống của người Việt, mô hình: Nhà - sân - vườn - (ao) hồ đã trở thành “công thức vàng” trong xây dựng. Những yếu tố cấu thành mô hình này đều có ý nghĩa, tác dụng riêng và đặt trong tổng thể lại tương tác lẫn nhau, tạo ra tiểu khí hậu hài hòa, môi trường sống trong lành. Nhà gỗ 5 gian đem lại cho gia chủ rất nhiều điềm may mắn và tốt lành. Bởi người ta quan niệm gỗ chính là đại diện của hành Mộc trong ngũ hành, là biểu tượng cho mùa xuân, sức sống đâm chồi nảy lộc.
 
 
 
 
Nếu như kiến trúc nhà ngói cổ 5 gian điển hình cho lối kiến trúc phong thủy cổ truyền thì mô hình nhà Việt cổ truyền “mái tranh vách đất” lại biểu thị cho một nếp văn hóa mang tính truyền thống phổ quát. Đó là không gian mà số đông người Việt ăn đời ở kiếp từ rất xa xưa. Mái tranh vách đất xuất hiện từ khi nào? Không ai biết! Nhưng cùng với cây đa - bến nước - sân đình, mái nhà tranh đã trở thành điểm về, là nỗi ngóng đợi chung của hàng hàng thế hệ người Việt sau mỗi bước chân nhọc nhằn mưu sinh.
Không còn nghi ngờ gì nữa Không gian Văn hóa Việt chẳng những là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa, phong thủy truyền thống dân tộc mà còn là điểm đến văn hóa thú vị, hấp dẫn cho các tour “du lịch xanh” trong lòng một đô thị sôi động và đổi thay từng ngày.
 BIÊN TẬP (SƯU TẦM): Bộ phận Văn hóa - Xã hội
 
  
image advertisementimage advertisement
image advertisementimage advertisement
image advertisement
image advertisement

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC PHƯỜNG TRƯỜNG THI - THÀNH PHỐ THANH HOÁ

Trưởng ban biên tập: Cao Thiện Cường Chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Trường Thi

ĐC: 123 Trường Thi - phường Trường Thi - Tp.Thanh Hóa - Tỉnh Thanh Hóa

Điện thoại:  02373.851.845  

Ghi rõ nguồn tin khi phát hành lại nội dung trên Cổng thông tin điện tử thành phố Thanh Hóa.

Website được thiết kế bởi VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang