BẢO TÀNG CỔ VẬT ĐÔNG SƠN - NƠI LƯU GIỮ VĂN HÓA, LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG
BẢO TÀNG CỔ VẬT ĐÔNG SƠN
-NƠI LƯU GIỮ VĂN HÓA, LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Giữa lòng thành phố Thanh Hóa, hàng ngày - bất kể nắng, mưa, Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn (số 01 phố Cù Chính Lan ) thuộc điểm du lịch Không gian Văn hóa Việt vẫn đều đặn mở cửa đón các đoàn khách. Từ các em học sinh, các giáo viên đến cựu chiến binh, người nông dân và đặc biệt là những người yêu văn hóa truyền thống trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.
Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn lưu giữ hơn một nghìn hiện vật, được chia theo các chủ đề, gồm: Công cụ lao động, nhạc khí, đồ trang sức, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt của người Đông Sơn cổ… Trong đó có gần 200 chiếc trống đồng cổ mà nổi bật là bộ sưu tập gần 100 chiếc trống minh khí - được học giới đánh giá là toàn vẹn, đa dạng và đầy đủ nhất.
Kiến trúc bên ngoài Bảo tàng hội tụ vẻ đẹp đa dạng, phong phú của những sản phẩm văn hóa đặc sắc: Không gian cư trú cổ truyền (nhà tranh vách đất, nhà tre, nhà luồng, nhà ngói năm gian), các kiến trúc biểu hiện tín ngưỡng của người Việt: Miếu thờ thổ thần, tượng phật Quan thế âm, chạm khắc gỗ Tứ linh, tứ Bất tử; cây cổ thụ, đá ngọc, cổ vật và đặc biệt là khoảnh ruộng lúa nước trong hồ bán nguyệt.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi cho hay: “Từ ngày còn công tác ở doanh nghiệp và sau đó là trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, tôi đã chỉ đạo và thực hiện dự án đô thị văn minh, công dân thân thiện. Xây dựng 100% phố, thôn có Nhà Văn hóa, Quảng trường Lam Sơn, Nhà hát Lam Sơn, Hồ Thành, công trình kiến trúc nghệ thuật Hồng hạc hướng thanh thiên… Ý tưởng về một Bảo tảng Cổ vật Đông Sơn được hình thành từ khi tôi nghe được câu chuyện của anh Võ Điện Biên về mong muốn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với nền Văn hóa Đông Sơn; cùng với suy nghĩ của cá nhân khi nhìn thấy biểu tượng trống đồng trong những ngày lễ lớn của dân tộc như Quốc khánh 2/9, 30/4… đã thôi thúc về trách nhiệm cần lưu giữ và phát triển biểu tượng trống đồng Đông Sơn.
Năm 2021, Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép và chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong những bảo tàng ngoài công lập của tỉnh Thanh Hóa, cũng là bảo tàng chuyên đề có quy mô, quy chuẩn vào hàng lớn nhất cả nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - nguyên Giám đốc bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện là GĐ Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn đánh giá: "Đây là bảo tàng tư nhân được xây dựng rất quy củ với nhiều hiện vậy quý giá. Để làm được như vậy, chủ nhân phải là người giàu nhiệt huyết và dám dấn thân cho tình yêu văn hóa". Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Thị Liên (Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa) cũng bày tỏ: “Phải khẳng định, chủ nhân Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn không phải là người chơi đồ cổ mà là người sưu tầm để gìn giữ, phát huy giá trị di sản của dân tộc, để ngăn chạn nạn chảy máu cổ vật”.
Đến với Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn, du khách sẽ có thêm hiểu biết về giai đoạn Văn minh Đông Sơn - thời kỳ lịch sử dân tộc cách chúng ta hơn 2.000 năm.
BIÊN TẬP (SƯU TẦM): Bộ phận Văn hóa - Xã hội