image banner
TỔNG QUAN ĐỊA BÀN PHƯỜNG TRƯỜNG THI

TỔNG QUAN ĐỊA BÀN PHƯỜNG TRƯỜNG THI

CÔNG SỞ TRƯƠNG THI.jpg

Công sở Đảng ủy -  HĐND- UBND - UB MTTQ và các đoàn thể phường Trường Thi
 
I.   KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA PHƯƠNG
Phường Trường Thi được thành lập ngày 20/8/1994 trên cơ sở chia tách từ phường Nam Ngạn theo Nghị định số 55/CP ngày 28/6/1994 của Chỉnh phủ. Có diện tích tự nhiên 0,85km2. Dân số có 16.448 dân (trong đó dân số thực tế thường trú 15.607 dân; dân số tạm trú tính quy đổi 841 dân). Phía Đông Nam giáp phường Đông Hương và phường Lam Sơn; phía Tây Bắc giáp phường Đông Thọ; phía Tây Nam giáp phường Điện Biên; phía Đông Bắc giáp phường Nam Ngạn.
Phường Trường Thi là phường trung tâm của thành phố có các tuyến đường chính như đường Bà Triệu (Quốc lộ 1A cũ), đường Trường Thi, đường Lê Hoàn, đường Đội Cung…, có 276 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn. Là phường trung tâm tôn giáo của cả tỉnh Thanh Hóa có Tòa Giám mục, Nhà thờ Chính tòa, dòng mến Thánh giá, Chủng viện Thanh Hóa, Chùa Thanh Hà và nhiều phủ, đền.
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHƯỜNG VÀ ĐẢNG BỘ PHƯỜNG
1.     Lịch sử phát triển của phường Trường Thi
 Cuối thế kỷ XIX, vùng đất phường Trường Thi ngày nay thuộc giáp Đông phố gồm 3 ấp là: Vân Trường (ngã Ba Bia ngày nay); Đông Trường (khu Nhà thờ); Đồng Lạc (khu Cầu Sâng).
Những năm 1930-1940, thuộc phường Đệ lục gồm khu Cầu Sâng, Lò Chum, Trường Thi.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, thuộc khu phố IV: Khu phố Lò Chum; năm 1952, thuộc khu phố V: Cầu Sâng, Lò Chum do thị trấn đặc biệt Thanh Hoa quản lý. Từ 1953 - 1954, xóm Thống, xóm Nhất, Tân Hưng, Tân Hà, Hậu Giang, Trường Thi thuộc xã Đông Trấn huyện Đông Sơn.
Tháng 7/1954, xóm Tân Hưng, Tân Hà, Trường Thi thuộc khu phố 1; khu Lò Chum thuộc khu phố 7.
Năm 1960, bỏ cấp khu phố, thành lập tiểu khu, từ 7 khu phố chia thành 18 tiểu khu, vùng đất phường Trường Thi ngày nay thuộc tiểu khu Minh Khai.
Năm 1970, tiểu khu Nam Ngạn sáp nhập với tiểu khu Minh Khai lấy tên là tiểu khu Nam Ngạn, gồm các xóm, thôn là: làng Nam Ngạn, làng Hương Bào, xóm Thống, xóm Nhất, xóm Trường Thi, xóm Ba Lít, xóm Hậu Giang, xóm Đội Cung, xóm Việt Bắc.
Ngày 3/7/1981, UBND tỉnh ra Quyết định số 511/TC/UBTH chia lại các tiểu khu, chuyển thành các phường, tiểu khu Nam Ngạn chuyển thành phường Nam Ngạn.
Tháng 6/1994, thực hiện Nghị định 55/CP của Chính phủ, phường Nam Ngạn chia thành 2 phường là Nam Ngạn và Trường Thi thuộc thành phố Thanh Hóa. Phường Trường Thi có tên từ đây.
Ngày 13/8/1994, UBND thành phố Thanh Hóa ban hành Quyết định số 186/QĐ-UBND về việc thành lập UBND lâm thời phường Trường Thi.
Năm 2018, thực hiện Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của UBND tỉnh Thanh Hoá vềviệc đổi tên; chuyển thôn thành khu phố; sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, phường Trường Thi tiến hành sáp nhập 19 tổ dân phố thành 9 tổ dân phố.
2. Lịch sử hình thành đảng bộ
Cuối năm 1952 khu Lò Chum, Khu phố V (Trường Thi) đã thành lập chi bộ đảng với 14 đảng viên. Với sự ra đời của chi bộ đầu tiên ở Trường Thi đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng nơi đây.
Cuối năm 1960, 7 khu phố của thị xã Thanh Hoá được chia thành 18 tiểu khu hành chính. Lúc này vùng đất Trường Thi thuộc tiểu khu Minh Khai.
Ngày 11/12/1969, Thị uỷ Thanh Hoá đã ra quyết định số 62 QĐ/TU về việc sáp nhập Đảng bộ cơ sở Tiểu Khu Nam Ngạn – Minh Khai thành một Đảng bộ lấy tên là Đảng bộ tiểu khu Nam Ngạn. Ngày 3/7/1981, hệ thống hành chính của thị xã được thống nhất lại, tiểu khu Nam Ngạn trước đó nay chuyển thành phường Nam Ngạn.
Ngày 25/6/1994, Chính phủ ra Nghị định số 55/CP về việc tách phường Nam Ngạn thành 02 phường là Nam Ngạn và Trường Thi.
Ngày 15/8/1994, Thành uỷ thành phố Thanh Hoá đã ra Quyết định số 315/QĐ/TUTH về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ phường Trường Thi gồm 22 chi bộ với 362 đảng viên.
Ngày 25/8/1994, Đảng bộ phường Trường Thi chính thức đi vào hoạt động.
Trải qua 7 kỳ Đại hội, hiện nay Đảng bộ phường Thi có 1.157 đảng viên, sinh hoạt tại 20 chi bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, gần 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, đảng bộ phường Trường Thi ngày càng phát triển,
Nhìn chung: Gần 30 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền phường Trường Thi đã nỗ lực xây dựng phường phát triển toàn diện; từ một phường có quy mô dân số hơn 13 nghìn dân, kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3%, cận nghèo chiếm 4,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Các tệ nạn và tội phạm về ma úy rất phức tạp nhất là khu vực Lò Chum, TDP Hậu Thành và khu vực Bến Than, TDP Hòa Bình. Nhưng đến nay phường Trường Thi đã có sự thay đổi rõ rệt về kinh tế và bộ mặt đô thị, phường được công nhận phường kiểu mẫu năm 2020, đạt phường ATTP nâng cao năm 2022, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì; các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ trên địa bàn phường phát triển mạnh tập trung ở các tuyến đường Lê Hoàn, Trường Thi, Bà Triệu, Đội Cung…; thu nhập bình quân đầu người đạt 108 triệu đồng/năm; phường không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo; Cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến phố, trong các khu dân cư được đầu tư xây dựng, nhiều công trình phúc lợi, nhiều nhà cao tầng của nhân dân được xây dựng mới, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Tình hình an ninh chính trị được ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; phường là một trong 10 phường xã thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2022.
         III. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA LỊCH SỬ CỦA ĐỊA PHƯƠNG GẮN VỚI PHONG TỤC, TẬP QUÁN, NÉT VĂN HÓA
 1. Các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh lam, thắng cảnh
-Di tích Chùa Thanh Hà: Quyết định 224/VHQĐ ngày 18/7/1998 của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa.
- Di tích Bia Trường Thi: Quyết định 223/VHQĐ ngày 18/7/1998 của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa
 
-Di tích Phủ Bà: Quyết định 69/VHQĐ ngày 04/03/1998 của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa.
2. Các Lễ hội truyền thống của địa phương
Lễ hội Phủ Bà - Đền Nguyễn Chích. Ngày giỗ Mẫu (02/3 âm lịch), Nhân dân tổ chức Lễ hội Phủ Bà - Đền Nguyễn Chích rước kiệu, tế lễ và một số sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thu hút mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài phường tham gia.
IV. HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG CƠ SỞ
1.     Các tuyến đường giao thông chính
Phường có hệ thống giao thông đường bộ như: Đường Trường Thi, Lê Hoàn, Đội Cung, đường Bà Triệu (Quốc lộ 1A cũ), Lò Chum, Bến Ngự,… là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của thành phố Thanh Hoá, là điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, phường Trường Thi còn có hệ thống giao thông đường thủy. Theo sách Sông Đào ở Thanh Hóa (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX) của tác giả Hà Mạnh Khoa cho biết: Sông Lò Chum hay còn gọi là sông Cầu Cốc, sau này gọi chung là Bến Ngự được đào vào thời nhà Nguyễn, triều vua Minh Mạng (1833), để nối với các con sông được đào trước đó, tạo nên một vòng khép kín khu vực trấn thành Thanh Hóa và thông với dòng sông Mã. Sau khi sông Lò Chum được đào đã thu hút nhiều thợ gốm sứ ở Thổ Hà, Đanh Xá đến Đức Thọ Vạn để xây dựng và phát triển nghề gốm sứ, tạo nên phố phường đông vui, trên bến dưới thuyền. Ngoài sông cầu Cốc, Trường Thi còn có sông Hạc là giao thông đường thủy rất quan trọng trong việc đi lại, trao đổi hàng hóa, buôn bán giữa các vùng. Với một hệ thống sông ngòi như vậy, nên phường có nhiều cây cầu bắc qua như: Cầu Bốn Voi, cầu Sâng và cầu Treo.
2.     Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn phường
Phường Trường Thi có 276 cơ quan, đơn vị, trường hoc, doanh nghiệp, trong đó có 263 doanh nghiệp, 13 cơ quan đơn vị sự nghiệp trên địa bàn, cụ thể:
         - Cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thành phố: có 05 đơn vị (Bệnh viện Y học cổ truyển tỉnh Thanh Hóa; Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa; Viện Quy hoạch thiết kế Thanh Hóa; Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Thành phố ).
- Trường học từ mầm non đến THPT có 8 đơn vị ( mầm non Trường Thi A, Trường Thi B, Vườn hồng, tiểu học Minh Khai 1, tiểu học Minh Khai 2, THCS Minh Khai, THPT Trường Thi, THPT Hàm Rồng).
Doanh nghiệp cổ phần 81 đơn vị
Doanh nghiệp tư nhân có 02 đơn vị
HTX: 04 đơn vị
Công ty TNHH: 176 đơn vị
3.     Các mặt bằng quy hoạch trên địa bàn
Dự kiến MBQH khu xen cư 19 Bến Than (2.250m2), MB 4891 Cù Chính Lan (350m2) phường Trường Thi với tổng diện tích quy hoạch 2.600m2, Ước tính gia tăng dân số khi dân cư đến sinh sống hơn 100 người.
Chung cư Đông Bắc TOWER có 281 căn hộ, hiện nay còn hơn 50 căn hộ chưa có người đến ở; dự kiến thời gian tới dân số sẽ tăng hơn 200 người.
V. CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN
Là một trong những phường trung tâm thành phố Thanh Hóa, trung tâm tôn giáo của tỉnh, dân cư ổn định, mật độ dân số cao; do đó lưu lượng người trên địa bàn phường thường xuyên đông đúc, tấp nập cụ thể:
- Công sở phường lượng công dân đến liên hệ công việc qua theo dõi cập nhật trung bình có 95 lượt người/ngày
- Bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa, Bệnh viện mắt Thanh An số lượt bệnh nhân đến khám ước tính 1450 lượt/ ngày
- Chợ và chuỗi của hàng Vinmart, cửa hàng tiện lợi…lượng người mua bán hơn 3.480 lượt người/ ngày
- Khách sạn, nhà nghỉ (Khách sạn Thiên Ý, Nhà nghỉ VILLA… ): lượng khách lưu trú khoảng 50 người/ ngày
- Có nhiều quán ăn, nhà hàng trên địa bàn phường tập trung trên các tuyến đường: Trường Thi, Bến Ngự, Nguyễn Trường Tộ, Cao Bá Quát, Chu Văn An, Bà Triệu…luôn tất nập, ước tính có hàng nghìn người/ngày.
Đánh giá: Với số lượng người đến giao dịch, lưu trú và tham gia hoạt động mua, bán tại các điểm trên; với lượng người và phương tiện tập trung đông đúc đã tác động đến ngành thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
VI. HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO; AN NINH TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN
1. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng
+ Tòa Giám mục Thanh Hóa
+ Nhà thờ Chính tòa
+ Hội Dòng mến thánh giá
+ Chùa Thanh Hà
+ Phủ Thủy Linh
+ Phủ Bà Quán Giò
+ Phủ Bà - Đền Nguyễn Chích
+ Bia Khuyến học
+ Đình Giáp Đông
2. Lịch sử hình thành, phát triển cơ sở tôn giáo, số lượng tăng ni phật tử, tín đồ
Giáo phận Thanh Hóa được thành lập ngày 13/10/1932; là một giáo phận Công giáo tại Miền Trung Việt Nam. Giáo phận Thanh Hóa hiện được quản nhiệm bởi Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường (từ 2018); Nhân sự có 35 linh mục; họ đạo trị sở do trùm trưởng Nguyễn Trọng Toán đứng đầu với 2.200 con chiên.
+ Tòa Giám mục Thanh Hóa: Địa chỉ 50 Nguyễn Trường Tộ, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, có diện tích 19.645,2m2: Ngoài tư cách là trung tâm hành chính của Giáo phận, Tòa Giám mục cũng là nơi tổ chức nhiều sinh hoạt mục vụ và đào tạo nhân sự trong Giáo phận. Chủng viện thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục Thanh Hóa; là nơi ươm trồng ơn gọi và huấn luyện ứng sinh. Từ năm 2016, chủng viện Lê Bảo Tịnh chính thức trở thành cơ sở đào tạo linh mục cho Giáo phận Thanh Hóa. 
+ Nhà thờ chính tòa: Địa chỉ 232A Trường Thi, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa; có diện tích 7.001m2; khuôn viên rộng rãi phục vụ cho mọi sinh hoạt của Giáo phận vào những dịp đại lễ.
 + Hội Dòng mến thánh giá: Địa chỉ số 10/626 Bà Triệu, P. Trường Thi. Diện tích 17.568,3m2. .Ngày 9-11-1932, Toà Thánh cho phép lập dòng Mến Thánh Giá riêng cho giáo phận Thanh Hoá. Đức cha Louis de Cooman công bố sắc lệnh ngày 23-11-1935, và chuẩn bị để năm 1936, dòng mới chính thức tách khỏi Phát Diệm. Ngay từ năm 1935, dòng đã khởi công xây dựng sở chính, nhà nguyện và tập viện, trên khu đất rộng trên 2 hecta, ngay trong thành phố Thanh Hoá, cách Toà giám mục chừng nửa cây số, đến năm 1942, lại xây thêm Đệ tử viện.
Hiện nay tổng số nữ tu làm việc tại Hội dòng mến thánh giá Thanh Hóa là 350 người. Trường Mầm Non Vườn Hồng nằm trong khuôn viên Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá là cơ sở giáo dục mầm non, số trẻ hiện đang theo học có hơn 1.000 trẻ.
+ Chùa Thanh Hà: Theo Sách Thần phổ cổ lục và Thần tích Thanh Hóa do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính tu soạn vào thời Lê trung hưng có ghi: Vua Trần Thái Tông (1226-1258) đưa quân đi chinh phạt Chiêm Thành quấy nhiễu Đại Việt đến Thanh Hoa gặp gió bão, nhà vua thắp hương cầu trời đất. Sau lễ thần Phật, “phong vũ tiếp tức”, gió mưa im bặt, trời đất phong quang. Mới hay “Đối ký thành chúng xưng dị” (nghĩa là: Điều cầu khấn đã thành hiện thực). Người đời cho kỳ lạ, linh thiêng hợp ý trời, cuộc chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi. Nhà vua đến Thăng Long xuống chiếu sửa sang lại chùa. Qua tư liệu ấy, ta nhận ra thời Trần đã có chùa Thanh Hà.
Chùa Thanh Hà tên chữ là "Thanh Hà Tự", nằm trong khu dân cư thuộc phố Lò Chum - đường Bến Ngự, chùa Thanh Hà được Nhân dân xây dựng để tôn thờ đức Phật. Ngày nay đã trở thành một trung tâm Phật giáo ở thành phố Thanh Hóa. Chùa được xây dựng trên diện tích 2.392m2. Phía Bắc chùa giáp khu dân cư đường Trường Thi và bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Thanh Hóa (nay là bệnh viện Y dược cổ truyền). Phía Nam giáp đường Bến Ngự. Phía Tây giáp dân cư đường Lê Hoàn.
Chùa Thanh Hà có 04 tăng ni; có hơn 1000 phật tử. Số lượt người đến chùa Thanh Hà vào các ngày rằm, mùng một hàng tháng và các ngày lễ tết khoảng hàng chục nghìn người.
+ Phủ Thủy linh: Nằm ở phía Tây làng Đức Thọ Vạn (nay là Tổ dân phố Tân Lập), thờ thần nước. Thần tích đền Thủy Linh Từ cho biết: “Đời vua Minh Mạng, nhà vua cho đào con sông mới nối sông Thọ Hạc với sông nhà Lê ở phía Nam. Khi dân phu đào đến Bể Nổ thuộc địa phận làng Đức Thọ Vạn thì thấy càng đào, đất cát từ dưới cứ đùn lên dữ dội. Mọi người hoảng sợ trình lên Tổng đốc Thanh Hóa. Tổng đốc trình lên nhà vua Minh Mạng đích thân cưỡi voi ra xem, thấy vậy hoảng sợ, cho lấp lại, đào nơi khác còn chỗ Bể Nổ nhà vua ra lệnh lập đền thờ. Đền ấy gọi là “Thủy Linh”. Đền lập xong Tổng đốc Nguyễn Văn Giai cho khắc bia ghi lại sự việc ấy”. Hiện ngôi đền còn có 2 bức đại tự và 3 tấm bia. Tấm bia thứ nhất có nội dung nói về xây dựng đền, bia thứ 2 khắc tên đền, bia thứ 3 nói về cảnh đẹp của đền.
+ Phủ Bà Quán Giò: Hơn 100 năm trước những người di cư từ Hà Nam vào Thanh Hóa đã mang theo nghề làm hương; lập thành làng Quán Giò thuộc phủ huyện Đông Sơn (nay Ngõ Hàng Hương, đường Bà Triệu, phường Trường Thi, Tp Thanh Hóa). Dân làng đã xây dựng đình làng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; sau này lập phủ để thờ Thánh Mẫu, Thánh Hiền; khi ông tổ nghề hương mất đã được dân làng đưa vào phủ để thờ cúng và duy trì cho đến nay. Lễ hội hàng năm vào ngày 01 tháng 02 (âm lịch) Giỗ thần Hoàng Làng.
+ Phủ Bà – Đền Nguyễn Chính:Xây dựng từ thời Lê Sơ, trên một địa thế đẹp. Hướng đền nhìn ra sông Hạc Giang, gần cầu Sâng và cầu Bốn Voi. Nguyễn Chích vốn là khai quốc công thần thời Lê và là người có công khai hoang vùng đất lập nên ấp Đồng Trại, sau khi chết được nhân dân tôn thờ làm Thành hoàng làng và lập đền thờ. Hiện trong đền có bức đại tự và nhiều câu đối ca ngợi công đức Nguyễn Chích và vùng đất nơi ông khai phá. Phủ Bà được xây dựng từ lâu đời và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần để thờ Đào Hoa công chúa, hầu cận của Mẫu Liễu Hạnh. Trong khuôn viên phủ có cây đa cổ thụ, trên trăm tuổi.Trong những năm 1930 - 1945, Phủ Bà còn là một trong những cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng, do đó được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử. Hiện nay đền thờ còn lưu giữ được một số tượng cổ như tượng Mẫu Thiên, tượng Mẫu Địa,...Lễ hội hàng năm vào ngày 02 tháng 03 (âm lịch) Giỗ Mẫu.
+ Bia Trường Thi (Bia Khuyến học): Có lịch sử năm Mậu Tý (niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 3-1888), triều đình bắt sĩ tử Thanh Hóa phải vào thi ở trường Nghệ An vừa vất vả, vừa tốn kém vì phải đi bộ đường xa, bị ốm đau nên các sĩ tử phải bỏ thi nhiều. Do đó, Tổng đốc Nguyễn Thuật tấu xin triều đình cho sĩ tử Thanh Hóa được thi riêng ở trường thi Thanh Hóa. Để ghi nhận công lao của ông và triều đình nhà Huế lúc bấy giờ, năm 1891 nhân dân đã xây dựng Bia Khuyến học Thanh Hóa được đặt ở khu vực là trường thi Hương của xứ Thanh thời nhà Nguyễn. Nội dung Bia ghi lại lời biểu của Tổng đốc, sau bài biểu là tóm tắt chiếu chỉ của triều đình cho phép như lời của Tổng đốc Thanh Hóa do ba vị quan ở triều đình ký. Mặt sau là lời tụng của các sĩ phu Thanh Hóa ca ngợi công ơn của Tổng đốc và các quan triều đình đã quan tâm đến việc học và thi, làm nức lòng sĩ tử và phát triển việc học của tỉnh Thanh. Bia được nằm giữa khuôn viên với diện tích 1.230m2 ở Ngã Ba Bia của đường Trường Thi và đường Lê Hoàn. Bia khuyến học là một dấu tích quan trọng trong việc cổ vũ việc học và thi, tôn vinh trí thức, tinh thần hiếu học không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà của cả nước nói chung.
+ Đình Giáp Đông: Là ngôi đình chung của làng Đức Thọ Vạn - thờ tổ sư nghề gốm Đức Thọ Vạn (nay là đường Lò Chum, thuộc tổ dân phố Hậu Thành) được xây dựng ở trung tâm của làng, gần kênh nhà Lê. Trước đền có nhiều cây cối tạo nên vẻ đẹp sâu lắng của một làng nghề chuyên sản xuất gốm sứ. Đình Giáp Đông gắn với nhiều nghi lễ cổ truyền của một làng nghề chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành, tiêu biểu nhất là lễ Tra lò. Lễ được tổ chức trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. Năm nào hàng hóa bán chậm thì làng chuyển sang tháng 3. Sau khi tế thần thì tổ chức lễ tra lò rất trang trọng, linh đình với sự tham gia của cả làng. Theo quy định của làng khi chưa làm lễ này thì không nhà nào được tra lửa vào lò nhà mình. Sau khi làm lễ tra lò xong, làng tổ chức các trò chơi dân gian, như đánh xúc sắc, đồ bài, tối đốt cây bông,… ngoài ra có năm còn tổ chức diễn chèo để nhân dân xem.
         Biên tập: Bộ phận Văn hóa - Xã hội
    

image advertisementimage advertisement
image advertisementimage advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC PHƯỜNG TRƯỜNG THI - THÀNH PHỐ THANH HOÁ

Trưởng ban biên tập: Cao Thiện Cường Chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Trường Thi

ĐC: 123 Trường Thi - phường Trường Thi - Tp.Thanh Hóa - Tỉnh Thanh Hóa

Điện thoại:  02373.851.845  

Ghi rõ nguồn tin khi phát hành lại nội dung trên Cổng thông tin điện tử thành phố Thanh Hóa.

Website được thiết kế bởi VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang